Các nguồn điện tái tạo (gió, mặt trời) cần được cân nhắc ở mức độ phù hợp với lưới, khả năng vận hành, sức ép tăng giá điện, theo Bộ Công Thương.
Thanh tra Chính phủ đang thanh tra các dự án điện trong 10 năm qua, nhất là điện mặt trời. Trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cho hay, quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh đều đưa ra các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) khi các nguồn điện truyền thống như thuỷ điện tới giới hạn khai thác, một số dự án điện than chậm tiến độ.
Theo quy hoạch này, giai đoạn 2011-2020, xét đến 2030, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo mà Việt Nam đặt ra ở mức 850 MW đến năm 2020, tăng lên 4.000 MW vào 2025 và đạt 12.000 MW vào 2030.
Nhờ cơ chế ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm cho các dự án điện năng lượng tái tạo, loại năng lượng này phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn với công suất lắp đặt tăng nhiều lần so với quy hoạch đề ra. Đến hết 31/12/2020, tổng công suất đặt điện mặt trời mặt đất là hơn 8.570 MW, còn điện mặt trời mái nhà có công suất đặt lên tới 9.300 MW với hơn 100.000 công trình.
"Cơ chế giá FIT đã tạo cú hích mạnh mẽ với điện mặt trời. Nhưng việc xác định giá FIT áp dụng cho 2 năm, được cơ quan này thừa nhận, chưa phản ánh sát, kịp thời với thay đổi nhanh chóng của công nghệ, giá thiết bị", Bộ Công Thương nhận định sau khi dẫn ra loạt quy định, văn bản kết luận của cấp có thẩm quyền về chủ trương, cơ chế phát triển điện mặt trời.
Tồn tại khác khi phát triển điện mặt trời là giá thành sản xuất điện từ các nguồn điện năng lượng tái tạo (9,35 cent một kWh theo Quyết định 11/2017 và 7,09 - 8,38 cent một kWh theo Quyết định 13/2019) cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, gây sức ép tăng giá bán lẻ điện.
"Việc phối hợp thủy điện, nhiệt điện và điện mặt trời sẽ trở nên phức tạp, khó khăn hơn, nên đầu tư chung cho cả hệ thống gây sức ép lên tăng giá bán lẻ điện. Vì thế, việc phát triển cần được cân nhắc ở mức độ phù hợp với lưới điện, khả năng vận hành", Bộ Công Thương đánh giá.
Công nhân lắp đặt các tấm pin điện mặt trời tại một dự án ở Ninh Thuận, tháng 2/2019. Ảnh: Quỳnh Trần
Bên cạnh đó, Bộ này cũng chỉ ra sự chưa đồng bộ giữa phát triển hạ tầng, lưới truyền tải với tốc độ phát triển quá nhanh của điện mặt trời.
Chính sách giá FIT áp dụng toàn quốc chưa phản ánh sự khác nhau về tiềm năng khu vực, dẫn tới nhiều dự án phát triển tập trung tại một số tỉnh có tiềm năng tốt ở miền Trung, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đã gây áp lực lên lưới điện truyền tải và ảnh hưởng ổn định hệ thống điện.
Mặt khác, điện mặt trời có tính chất không ổn định, phân tán của điện mặt trời là chỉ phát vào ban ngày, nên các dự án quy mô lớn có khả năng ảnh hưởng tới hệ thống điện, trong khi nguồn này chỉ góp một phần công suất đặt vào độ tin cậy cấp điện toàn hệ thống. Tức là, do chưa có công nghệ về lưu trữ điện phù hợp, nên phát triển điện mặt trời cũng yêu cầu nguồn dự phòng tương ứng từ các nguồn điện truyền thống (than, thuỷ điện...) để cân bằng hệ thống điện.
Ngoài ra, vận hành và điều độ hệ thống điện cũng gặp khó khăn khi điện mặt trời vào quá nhanh, nhiều. Đến cuối năm 2021, tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm hơn 24% tổng công suất và 44% công suất tiêu thụ của hệ thống điện. Việc này cũng dẫn tới khả năng lưới điện không đảm bảo hấp thụ hết toàn bộ sản lượng phát của các nguồn điện mặt trời trong tương lai, gây quá tải lưới cục bộ, tổn thất điện năng và độ tin cậy cung cấp điện cho địa phương.
Điện mặt trời có tính chất bất định nhưng đã đóng góp bổ sung cho nguồn điện, đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống quốc gia.
Số liệu của EVN cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, sinh khối) đạt 16,18 tỷ kWh, chiếm gần 15% tổng sản lượng điện toàn hệ thống. Đóng góp đáng kể là điện mặt trời với trên 11,7 tỷ kWh, điện gió gần 4,2 tỷ kWh.
Để khắc phục sự "lệch pha" giữa hạ tầng lưới điện và các dự án nguồn điện, tối đa hoá lợi ích từ năng lượng tái tạo, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có những dự án lưới điện thông minh nhằm phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng thông minh, hoàn chỉnh. Đây là hệ thống điện lưới có phương thức trao đổi hai chiều, cho phép trao đổi điện và thông tin theo cả hai hướng giữa các công ty điện lực và người dùng. Sáng kiến này cho phép tích hợp trên quy mô lớn các dạng năng lượng tái tạo hiệu quả, an toàn và bền vững.
Tồn tại nữa trong phát triển điện mặt trời là các dự án sử dụng nhiều đất, nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng, đề bù giải toả, bồi thường đất đai nhiều khó khăn, mất thời gian, chi phí đền bù nhiều nơi bị đẩy cao do nhu cầu phát triển điện mặt trời tăng lên nhanh chóng.
Năng lực một số nhà đầu tư còn hạn chế, nhà đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm, năng lực tài chính hạn chế và nhà đầu tư nước ngoài chưa nắm vững thủ tục đầu tư của Việt Nam. Thiết bị chủ yếu phải nhập khẩu nên phụ thuộc vào giá thành thế giới.
Hiện các quyết định về cơ chế giá FIT ưu đãi cho năng lượng tái tạo (Quyết định 11/2017 và Quyết định 13/2020) đã hết hiệu lực. Hơn 8 tháng qua, cơ chế chuyển tiếp cho điện mặt trời, điện gió vẫn đang được xây dựng, chưa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ở giai đoạn phát triển tiếp theo, cơ quan quản lý năng lượng cho biết, các dự án năng lượng tái tạo sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, bởi kéo dài giá FIT ưu đãi không còn phù hợp. Cuối tháng 4, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương thống nhất chủ trương xây dựng Nghị định của Chính phủ về đấu thầu chọn nhà đầu tư các dự án nguồn điện. Hiện, Cục Điện lực & năng lượng tái tạo vẫn đang lập hồ sơ, đề xuất xây dựng quy định này.
Trước khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo tại Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh, Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn kiểm tra loại năng lượng này tại các địa phương. Kết quả, cơ quan này cho biết, đã phát hiện một số tồn tại ở các dự án điện mặt trời tại 10 địa phương và sẽ báo cáo để xử lý các hành vi vi phạm.